Lan rừng cháy
Lan rừng Việt Nam như một nàng công chúa đang bừng tỉnh sau giấc ngủ dài, chỉ có điều nàng công chúa đã không thức dậy vì tiếng gọi của hoàng tử mà vì tiếng chân, cuốc xẻng và lưỡi hái của những kẻ ngày đêm săn tìm lan.
Nhiều người ví von "lan rừng Việt Nam như một nàng công chúa đang bừng tỉnh sau giấc ngủ dài", chỉ có điều "nàng công chúa" đã không thức dậy vì tiếng gọi của "hoàng tử" mà vì tiếng chân, cuốc xẻng và lưỡi hái của những kẻ ngày đêm săn tìm lan. Có người đã hài hước: "Mai này, ai muốn tìm lan rừng quý hiếm của Việt Nam thì xin mời sang Đài Loan, Trung Quốc".
Một buổi sáng tinh mơ, sự êm ả, tinh khiết của những cánh rừng ở Tây Nguyên đã bị phá vỡ bởi những tay khai thác gỗ lậu và của các "thợ săn" lan rừng chuyên nghiệp. Hải, người chuyên thu gom lan rừng, nói: "Mới gom được của mấy người dân tộc đó. Bèo như rau muống! Tất cả chưa tới 50.000 đồng". Vừa nói, anh ta vừa lôi ra gần cả chục gốc lan ngọc điểm mập mạp và mấy giò kim điệp sum suê. Theo Hải, làm nghề này nếu chịu khó một chút cũng kiếm sống được. Anh ta vừa tậu được chiếc xe Wave từ những giò lan rừng.
Thật ra, Hải chỉ là trung gian chuyên thu gom lan của người dân tộc rồi về bán lại cho người khác. Vài năm gần đây, ở một số khu vực còn rừng như miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đã xuất hiện khá rầm rộ nghề "săn" lan rừng. Không phải họ tìm kiếm giống lan mới để sưu tập mà chính là để bán kiếm tiền. Lực lượng khai thác lan rừng nhiều nhất là người dân tộc địa phương do họ thông thạo địa bàn và quen chịu đựng cuộc sống khắc nghiệt chốn rừng sâu trong nhiều ngày.
Hai anh em nhà A Luôi là một trong số các gia đình sống bằng nghề khai thác lan rừng. Chỉ vào thành quả là mấy chục giò lan đủ loại đang treo lủng lẳng kín cả bức tường tre, A Luôi chặc lưỡi: "Hai ngày băng rừng qua đến gần Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ăn hết 12 chén gạo đầy, nhưng lấy được bấy nhiêu đó cũng mừng...". Rồi anh ta gật gù cho biết nghề "đi săn" lan rừng bây giờ khó khăn hơn hồi xưa nhiều. Do đông người đi nên lan chẳng còn bao nhiêu để tìm. Trước đây anh ta kén từng cụm lan to mới bỏ công leo hái, còn cụm nhỏ để dành, nhưng bây giờ cỡ nào anh cũng không bỏ, bởi nếu không người khác cũng lấy mất. Theo A Luôi, nguồn lan ở phía rừng ngoài cạn kiệt nên đội quân khai thác phải leo trèo, lặn lội vào tận các vùng rừng sâu, núi cao hiểm trở như Ngọc Linh, Thạch Nham, Đác Sao (Kon Tum), Krông Bông, Krông Bút, Ea Súp, Ea H"Leo (Đăk Lăk). Tuy nhiên, cái giá phải trả đôi khi cũng rất đắt, thậm chí có người phải bỏ mạng chốn rừng sâu, núi cao!
Anh Bùi Thái Trung, kiểm lâm viên hạt Kon Plong, Kon Tum, tỏ ra ngạc nhiên khi có người hỏi về chuyện quản lý lan rừng: "Lần đầu tiên tôi nghe câu hỏi này. Dân họ đi hái đầy. Nhiều khi gùi, vác công khai trên mặt đường. Có ai quản lý, kiểm soát gì đâu".
"Chợ trời" lan rừng
Ở giữa thị xã Kon Tum có một cái "chợ trời" lan rừng họp náo nhiệt cả ngày ngay trên hè đại lộ Lê Hồng Phong, sát với Chi cục Kiểm lâm và Sở KHCN&MT tỉnh. Người mua thoải mái lựa chọn, kỳ kèo. Có người còn bật cười: "Lan rừng là... lan chùa!". Thậm chí, dọc quốc lộ 14, đoạn gần Gia Lai, còn có cả một dãy "kiôt" bằng tre nứa kinh doanh lan rừng khá sầm uất. Một giò lan ngọc điểm trái mùa, chưa ra hoa giá chào đầu đã 35.000 đồng/giò, còn giả hạc, long tu, thủy tiên, kim điệp cũng 30.000 đồng. Song nếu khách hàng chịu mặc cả thì giá hạ xuống chỉ còn... 5.000 đồng/giò. "Mùa này chưa ra hoa, bảo đảm Tết ra đầy. Còn không cứ đem lên đây đổi lại", một người bán hàng nhanh miệng quảng cáo.
Hiện các "chợ trời" lan rừng đang được phân hóa theo nhu cầu thị trường. Hàng bình dân dành cho người ít tiền, mới chập chững bước vào nghề chơi thì chủ yếu được đổ đống bày bán công khai ở các thị xã Tây Nguyên và một số trục đường như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hoàng Văn Thụ, Trường Sơn... (TP HCM). Hàng xịn không được bán công khai rầm rộ mà chỉ những người thực sự am hiểu về lan mới biết địa điểm mua. Anh Dưỡng, cán bộ Đài phát thanh Buôn Đôn (Đăk Lăk) cho biết, thời gian qua có nhiều đoàn từ TP HCM, thậm chí cả nước ngoài bay đến địa phương "săn" cho được mấy loại lan "độc". Họ bỏ tiền ăn dầm nằm dề ở Buôn Ma Thuột, rồi thuê người địa phương dẫn đường lặn lội nhiều ngày liền trong rừng tìm kiếm. Gần đây nguồn lan tự nhiên quý hiếm của khu vực Tây Nguyên đã cạn kiệt, họ đang đổi hướng ra các vùng cao phía bắc như Lạng Sơn, Hà Giang... để lùng sục tiếp.
Trong các loại lan rừng quý hiếm của Việt Nam, nhóm lan hài (tên khoa học là Paphiopedilum) đang được giới sưu tập cũng như kinh doanh lan trong nước và quốc tế ráo riết săn lùng. Có mặt rải rác từ nam ra bắc, nhất là ở những vùng có núi đá vôi, loại lan "độc" này mọc thành từng bụi. Hoa có mầu sắc đa dạng (có loại pha trộn nhiều mầu trên cùng một hoa), lại có hình thù giống như mũi giày nên được gọi là lan hài. Đặc biệt, vài năm gần đây, việc phát hiện một số loại lan hài mới ở vùng rừng núi Cao Bằng giáp với biên giới Trung Quốc đã dấy lên một "cơn sốt" và hút luôn cả giới "săn" lan từ miền nam và quốc tế vào cuộc.
Chỉ vào những tấm ảnh đã may mắn chụp được về loại lan "độc" này, ông Nguyễn Thiện Tịch, Phó chủ tịch Hội Hoa lan - cây cảnh TP HCM, cho biết: "Khi tin mới phát hiện loại lan hài mới lan ra trong nước thì phía nước ngoài cũng nghe ngóng được. Họ liên tục tìm cách đặt mua, thậm chí có mấy vị người Đức còn bay cấp tốc sang để mua cho bằng được. Hôm tôi lên Bảo Lộc, giới chơi lan ở đây kể một câu chuyện... cười ra nước mắt. Có người đã phải trồng lan "độc" trong cái... lồng lưới thép B40!".
Đến bây giờ nhiều người đã lờ mờ nhận ra vấn đề nước ngoài chịu nhập ồ ạt hàng tấn lan này chẳng qua là vì muốn tìm kiếm một vài cây đặc biệt (dân trong nghề gọi nôm na là dị biến gen) để có thể lai tạo ra giống tốt và lạ. Đến khi đạt mục đích, tất nhiên họ... ngưng nhập. Còn một chủ vườn ở TP Hồ Chí Minh thì thẳng thừng xác nhận những loại lan hài đặc hữu của Việt Nam không chỉ đang "chảy máu" ra nước ngoài theo các ngả quà biếu, xách tay, mà còn có cả những đầu nậu chuyên làm nhiệm vụ thu gom, trung chuyển quy mô lớn...
(Theo Tuổi Trẻ Chủ Nhật)