Hãy cứu lan rừng

Nếu không có những giải pháp phù hợp thì chẳng bao lâu nữa các cánh rừng nguyên sinh trên địa bàn tỉnh Kon Tum sẽ không còn lan rừng, nguồn gien quý hiếm này sẽ biến mất bởi sự tàn phá khốc liệt của con người.

Hiện nay, hàng chục người dân làng Roi, xã ChưH’reng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum thường xuyên vào rừng sục sạo, tìm kiếm, tận diệt những giò lan rừng để bán cho các đầu nậu, với giá rất hẻo từ 10 đến 60 ngàn đồng mỗi kg. Nếu không có những giải pháp phù hợp thì chẳng bao lâu nữa các cánh rừng nguyên sinh trên địa bàn tỉnh Kon Tum sẽ không còn lan rừng, nguồn gien quý hiếm này sẽ biến mất bởi sự tàn phá khốc liệt của con người. 

Đội quân khai thác lan rừng

Khai thác lan rừngMỗi sáng thứ 7 hoặc chủ nhật, khoảng 8 giờ, trên các tuyến đường Lê Hồng Phong (gần Sở Xây dựng), Trần Phú (gần Ban Tổ chức Tỉnh uỷ) thành phố Kon Tum… đồng bào dân tộc thiểu số vai mang gùi, tay xách những giò lan rừng để bán cho du khách với giá khoảng từ 50 đến 150 ngàn, bất kể giò lan tên gì, từ thuỷ tiên, hoàng lan, lồng nhanh, manh trúc, trúc bà… (theo cách nói của người bán lan). Sau nhiều lần hỏi thăm, tôi được biết đầu mối thu gom lan rừng để bán cho khách đi đường thường là mấy chủ vựa đồng bào dân tộc thiểu số tại làng Roi, xã Chư H’reng, thành phố Kon Tum.

Trong những ngày sắp đến Tết Nguyên đán Canh Dần năm 2010, sau mùa thu hoạch mỳ, hàng chục người dân làng Roi, xã ChưH’reng đã băng rừng, lội suối vào những cánh rừng nguyên sinh tìm bứt lan rừng bán cho những đầu nậu mong được ít tiền mua sắm các vật dụng cần thiết cho gia đình. Chị Y Tưới, là một trong những người gom lan rừng tại địa bàn làng Roi, mỗi sáng chủ nhật hoặc thứ bảy gùi lan xuống đường Lê Hồng Phong bán cho du khách-cho biết: “Ở làng Roi có hẳn một đội quân đi bứt lan rừng. Trên 15 gia đình đi bứt lan, mỗi gia đình có khoảng 2 người. Nhất là trong những ngày này, họ dậy từ lúc 5 giờ sáng, mỗi tốp đi từ 5 đến 6 người vào rừng sâu tìm bứt lan rừng để kiếm ít tiền tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Họ ngủ lại trong rừng từ 2 đến 3 đêm. Có ngày họ kiếm được 2 đến 3 trăm ngàn, thời gian trước đây có lúc họ đi cả tuần cũng kiếm được bạc triệu nhưng gần đây họ về chỉ bán được 2 trăm ngàn hoặc trắng tay. Nếu bán chỉ được 2 trăm ngàn thì trừ chi phí xăng dầu cho chuyến đi đã hết 120 ngàn, chỉ còn lại 80 ngàn. Đó là chưa kể tiền mua mắm muối, nước uống”. Đây quả là số tiền quá hẻo so với công sức của người dân bỏ ra. Bởi, mỗi giò lan rừng quý hiếm mà công chăm sóc tốt thì ở dưới miền xuôi cũng lên đến vài trăm ngàn đồng ! Khó khăn thế sao nhiều người đi bứt lan rừng như vậy-tôi hỏi. Chị Y Tưới nói: “Bà con tận dụng thời gian nông nhàn, bởi không đi bứt lan rừng thì làm việc gì bây giờ”.

Lan rừng bán theo... kg 

Khai thác lan rừngThế chị mua mỗi kg lan rừng bao nhiêu tiền-tôi hỏi. Chị Y Tưới nói :”Mỗi kg lan rừng mua từ 10 đến 60 ngàn đồng. Nếu mình bán sĩ thì mỗi kg lãi từ 2 đến 3 ngàn. Nhưng mình không bán sĩ, mình lấy lan nuôi trong các chậu kiểng khoảng hơn 1 tháng, rồi bán lại những người chơi lan, mỗi giò từ 50 đến 150 ngàn đồng. Nuôi lan rừng không cần cho ăn uống gì, chỉ cần treo ngược nhành lan rừng, hàng ngày tưới nước là cây sẽ cho hoa”. Không giống như chị Y Tưới, anh A Lưu, cũng ngụ tại làng này, là một trong những người “kỳ cựu” thu gom lan rừng, chất trong nhà một mớ hổ lốn lan rừng khoảng 100 kg. Trên cơ sở cấu trúc lá, nhành lan, tôi nhẩm đếm trên 50 loài lan khác nhau. Gặn mãi, tôi được biết, lúc trước A Lưu cũng là một trong các người điệu nghệ khai thác lan rừng, tự kiếm, tự bán, nhưng ngày nay lan rừng đã hiếm nên anh ở nhà thu gom lan rừng của bà con đồng bào dân tộc thiểu số từ huyện Đăk Glei, Đăk Tô, Sa Thầy đem về bán. A Lưu cho biết:”Cứ mỗi tuần thu gom lan rừng, rồi anh xuất bán cho các đầu nậu ở mãi tận thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội. Họ cần giống lan gì thì mình phân loại rồi xuất.” Tôi hỏi, thế anh xuất mỗi chuyến bao nhiêu kg. A Lưu không trả lời, nhưng anh cho biết, mỗi tuần gom ít ít từ 20 đến 30 kg, còn nhiều nhất là 3 đến 4 tạ. Vậy, vị chi hàng tháng, chỉ riêng A Lưu đã xuất khỏi tỉnh Kon Tum “giá bèo” cũng gần cả… tấn lan rừng. Thế lãi nhiều không-tôi hỏi. A Lưu chỉ gãi gãi đầu, rồi cười.

Sắp hết lan rừng

Chỉ tính A Lưu, Y Sương ở làng Roi, hàng tháng, lan rừng được xuất bán ra khỏi tỉnh Kon Tum có thể lên đến cả tấn thì chẳng bao lâu nữa trên những cánh rừng nguyên sinh “nhánh lan rừng đã nở” chỉ còn lại trong ký ức của nhiều người. Một bằng chứng khác cũng đã chứng minh cho lan rừng sắp cạn kiệt. A Loan là một thợ chuyên đi săn lan rừng, cũng ngụ tại làng Roi cho biết:”Những năm trước đây, cứ mỗi chuyến đi rừng bứt lan khoảng 1 tuần thì cho thu nhập từ 1 đến 1,5 triệu, nếu giá bèo thì cũng được 500 đến 600 ngàn đồng. Ngày nay phải đi lên tận xã Mường Hoong, Ngọc Linh, xã Xốp, có những lúc xuống tận Đức Cơ, tỉnh Gia Lai (đi xa hàng trăm km-PV) mới tìm thấy lan, nhưng cũng hiếm lắm”. Anh “bật mí” bí quyết của nghề tận diệt lan rừng: “Phát hiện lan rừng dễ lắm, nhìn từ xa, những cây cổ thụ ven sông suối có màu lá xanh khác thường hoặc lá có màu đỏ thì đích thị có lan, còn không thì nhìn “mỏi cổ”. Thế dụng cụ để bứt lan rừng là gì-tôi hỏi thăm. A Lanh-người cùng hội, cùng thuyền với A Loan thật thà đáp, chỉ cần vài chiếc bao tải, cuộn dây thừng, chiếc móc sắt và cái rựa là đủ hành nghề rồi. A Lanh còn kể chuyện khôi hài :”Nhiều lần mình bứt lan rừng gặp cán bộ kiểm lâm, họ yêu cầu mình viết cam kết không được vào rừng bứt lan nữa. Nhưng cam kết rồi thì lần sau mình lỡ gặp lại họ thì cam kết tiếp ! Có lúc mình mua rượu, thịt thiết đãi bà con dân làng, nhưng sau khi nhậu xong, mình vào rừng bứt lan ra bị bà con thu lại hết”.

Một tương lai không xa, lan rừng quý hiếm xuất xứ từ đại ngàn huyền bí Tây Nguyên sẽ biến mất. Do vậy, để bảo vệ giống lan rừng quý hiếm của những cánh rừng nguyên sinh vùng Tây Nguyên chỉ có một giải pháp căn cơ và cũng là căn bản nhất là giải quyết tốt công ăn việc làm cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, họ thực sự hưởng lợi từ những cánh rừng đem lại. Chỉ có vậy mới giữ được rừng, giữ được nguồn gien lan rừng quý hiếm mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho những người dân ở vùng Tây Nguyên này.

Theo Báo Nông Nghiệp

Bài Viết Mới

Bài Đọc Nhiều

Liên hệ quảng cáo

Tắt Quảng Cáo [X]
Kyoryo Nhật Bản