Lan rừng kêu cứu (Kỳ 1)

Thanh đạm, Hạc đỉnh, Hồ điệp rừng… những loài phong lan chỉ có ở miền núi Tây Bắc, nhiều nhất là Điện Biên. Dân mê phong lan ở Hà Nội đều phải lên đó kiếm. Nhưng lan Điện Biên đang bị tận diệt!

Bán lan rừngKỳ 1: Tận diệt lan rừng ĐBP - “Thanh đạm, Hạc đỉnh, Hồ điệp rừng… những loài phong lan chỉ có ở miền núi Tây Bắc, nhiều nhất là Điện Biên. Dân mê phong lan ở Hà Nội đều phải lên đó kiếm. Nhưng lan Điện Biên đang bị tận diệt!” Lời giới thiệu hấp dẫn về phong lan Điện Biên kèm theo nỗi lo “bị tận diệt” của anh bạn thúc giục tôi ngược ngàn. 

Theo chân “sát thủ” lan rừng

Nhờ dắt mối tôi gặp Hà Văn Bảo, 30 tuổi người Mường Phăng, huyện Điện Biên, Bảo có dáng người săn chắc của dân đi rừng. Bảo cho tôi đi lấy lan cùng với điều kiện: “Bảo sao nghe vậy và “lộ phí” 100 nghìn đồng”. Trên đường, gã “tiều phu” tưng bừng kể chuyện: “Mường Phăng có nhiều lan, nhờ thế người dân bám vào rừng để tìm lan kiếm sống. Còn muốn tìm được nhiều lan đẹp phải mang gạo, nước đi cả tuần sang rừng Lào”.

Bảo cho biết, đội quân đi lấy lan ở Mường Phăng có khoảng ba chục người.

Nhiều quốc gia đã có luật cấm tàn phá lan tự nhiên, thế nhưng trong không ít tâm thức người dân Việt Nam vẫn còn coi lan rừng như cỏ dại. Một thứ cỏ trời sinh nên thả sức tận diệt. Ở Điện Biên, mỗi ngày có hàng ngàn cụm lan bị nhổ bật rễ khỏi rừng và được vận chuyển, bày bán công khai ngoài chợ. Tội nghiệp cho những nhành lan khi thân phận chúng không phải là lim, sến…nhưng những giá trị mà “nữ hoàng các loài hoa” mang lại chẳng kém các loại gỗ quý hiếm kia.  Mỗi ngày có đến cả ngàn cụm lan bị “tận diệt”. Kiếm được lan họ mang ra cổng Khu di tích để bán. Thường thì dân buôn ở thành phố Điện Biên Phủ lên mua lan.

“Kiếm lan cho thu nhập khá. Chuyến nào tìm được đầy một bao tải cũng bán được khoảng bốn trăm ngàn đồng. Nhưng được thế phải mất hàng tuần”. Đồ nghề của Bảo là chiếc bao tải, cuộn dây thừng, chiếc móc sắt và con dao.

Trong khi mũi, miệng tôi tranh nhau thở, đi một đoạn lại phải dừng chân nghỉ lấy sức thì Bảo thoăn thoắt như con sóc. Thỉnh thoảng, Bảo lại chửi thề: “Mình đã đánh dấu, vậy mà thằng nào lại cuỗm mất bụi Trần Tuấn (Trần Tuấn là tên loài phong lan do ông Trần Tuấn,Pphó chủ tịch CLBPhong lan Hà Nội phát hiện. Tên của ông được giới chơi lan đặt tên cho loài đó- PV). M. cụm Vân đa cũng mất nốt”.

Đến một cây cổ thụ, giọng Bảo dứt khoát: “Phải lấy chứ, không lại vào tay chúng nó”. Tôi dáo dác nhìn chưa thấy “nàng lan” ở đâu thì Bảo đã thoăn thoắt leo lên cây. Uốn mình qua các chạc cây trước mặt, Bảo với tay giật cụm lan, những hạt gỗ mục rơi lắc rắc xuống đất. Thì ra tôi không nhình thấy chùm lan do bị chạc cây mà Bảo luồn qua che khuất, còn Bảo với con mắt “nhà nghề” chỉ cần lia một vòng lên ngọn cây là phát hiện ra ngay. Cụm lan của Bảo có tên Giả Hạc trắng.

Hành trình của chúng tôi kéo dài đến giữa chiều. Chỗ nào cao quá không thể với tới,Bảo chặt cành cây, buộc móc sắt vào và giật thô bạo. Kết thúc buổi “tàn sát” lan, chiếc bao tải của Bảo đựng 21 cụm lan với đủ các loại. Một vài cụm to bằng chiếc bát con, còn lại là những cụm nhỏ xíu chưa bằng nắm tay. Bảo nói đây là rừng gần nên thường xuyên bị quần nát. Chỗ này chẳng bõ bèn gì vì toàn lan xấu, nhỏ”.

Là “sát thủ” lan nên chưa một cánh rừng nào ở phía Tây tỉnh Điện Biên không in dấu chân Bảo. Anh từng quần nát khu vực biên giới Việt Lào. Bảo không nhớ mình đã nhổ bao gốc lan, có lẽ lên đến vài nghìn khóm. Hai bàn tay Bảo gồ lên những vết chai vì leo cây, đôi chân đầy sẹo của những lần trượt ngã. Có những chuyến phải cắm chốt giữa rừng, ăn cây rừng cầm hơi cả chục ngày vì lũ lớn cắt suối không về được.

Nguy hiểm phải đối mặt là vô kể…

Đối mặt với cái chết.

Rừng thiêng không phải là vườn hoa để con người dễ dàng dẫm chân hay làm những việc tuỳ thích. Với những người “tận diệt” lan, họ trải qua tận cùng của nỗi sợ hãi, đói khổ nhiều lúc đối mặt với cái chết.

Cuối năm ngoái, Bảo cùng với người em họ lang thang sang tận một khu rừng giáp Lào. Một buổi tối, hai người đốt đuốc đi rừng. Loài rắn rất thích ăn tàn lửa nên một con hổ mang chúa bám theo họ. Khi nghỉ chân, con mãng xà lao đến chiếc đuốc mà ở dưới có những tàn lửa rơi xuống đất cháy xèo xèo. Bạt vía trước sự tấn công bất ngờ của loài vật nguy hiểm này, chỉ trong vài giây hai anh em co cẳng chạy. Nhưng mới chạy được vài bước thì người em vấp phải rễ cây ngã lộn nhào, đầu đập vào rễ cây khác, bất tỉnh.

Trấn tĩnh, Bảo thấy con rắn chỉ lao đến ăn tàn lửa chứ không phải tấn công người. Bảo vớ cành cây đập con rắn. Bị đòn đau, tính hung dữ của con vật bùng phát, nó ngỏng cổ phun phì lao vào Bảo. Khi giật lùi Bảo bị trượt ngã, vừa kịp ngồi dậy thì con rắn lao tới, bổ một nhát vào đầu gối. Không kịp tránh đòn, Bảo đưa hai tay túm lấy cổ con rắn dùng hết sức mạnh để xiết chặt cổ con vật, trong khi con rắn cũng quấn quanh bụng Bảo. Người và vật chiến đấu chừng 5 phút thì con rắn xỉu, người Bảo ướt đẫm mồ hôi và run lên vì sợ.

Một mình với người em bất tỉnh giữa rừng hoang, bên cạnh là xác con rắn, Bảo hoang mang đến tột đỉnh. May mà người em chỉ bị chấn thương nhẹ nên sau đó đã tỉnh lại. Bảo cho biết những người đi lấy lan ở Mường Phăng gặp nạn, gặp thú độc như Bảo thì ít, còn chảy máu, gãy chân tay thì vô số. Bảo thật thà: “Biết là nguy hiểm đấy nhưng làm nương thì đói, kiếm lan nhiều tiền hơn. Cũng như ngày xưa đi kiếm mật ong hay săn thú vậy thôi”.

(Theo Bùi Quý/Báo DT&PT)

Bài Viết Mới

Bài Đọc Nhiều

Liên hệ quảng cáo

Tắt Quảng Cáo [X]
Kyoryo Nhật Bản