Lan rừng kêu cứu (Kỳ 2)
Bị đưa khỏi rừng, phong lan trở thành một thứ hàng hóa xa xỉ bán khá chạy. Từ đó hình thành nên thị trường lan khá nhộn nhịp ở Điện Biên. Thị trường này đã cuốn nhiều người vào vòng xoáy của nó.
Kỳ II: Từ bán lẻ đến xuất hàng buôn chuyến ĐBP - Bị đưa khỏi rừng, phong lan trở thành một thứ hàng hóa “xa xỉ” bán khá chạy. Từ đó hình thành nên “thị trường”lan khá nhộn nhịp ở Điện Biên. Thị trường này đã cuốn nhiều người vào vòng xoáy của nó.
Chị bán lan người dân tộc Thái ở chợ Mường Thanh liến thoắng giới thiệu cho tôi đủ các loại lan. Các hàng bên cạnh cũng tấp nập người bán, người mua. Có người ôm cả mớ lan to, đầu đuôi lẫn lộn ném vào các hộp cát tông lớn. Ở đây, phong lan được bày bán, mặc cả như những mớ rau. Những bông hoa thanh khiết vừa chớm nụ tái dại khi bị bứt khỏi rừng. Chúng nằm vô hồn dưới nền đất, ngổn ngang chân người qua lại.
Mỗi sáng sớm lan rừng được tập kết về chợ Mường Thanh. Những người buôn chuyến lựa chọn những cụm ưng ý, gom lại để đóng gói, rồi đưa đi các nơi về đồng bằng, thành phố, sang tận biên giới. Buôn bán lan rừng trở thành nghề kiếm sống của nhiều người.
Cách đây 2 năm ngoài làm nương, chị Hà Thị Giang, xã Mường Phăng đi kiếm củi để bán. Từ ngày thấy người đi lấy lan, chị bỏ hẳn công việc còm cõi kia để chuyên chở lan từ Mường Phăng ra Điện Biên bán. Chị bộc bạch: Kiếm cả ngày mới được bó củi 10 nghìn đồng. Đi buôn lan kiếm được tiền cao gấp 4, 5 lần so với bán củi”.
Ở chợ Mường Thanh, chị Hà Thị Thắm phấn khởi cho biết: “Buôn chuyến họ lấy nhiều lắm. Tôi cứ bán cả ngày, nhưng từ 8h sáng trở đi thì chỉ còn sót lại lan xấu thôi. Gia đình tôi sống nhờ vào cây lan từ 3 năm nay. Chồng và 2 con trai đi kiếm lan trong rừng, tôi thì vừa gom vừa bán. Mỗi ngày cũng kiếm được trăm rưỡi, hai trăm ngàn đồng”.
Nhờ vòng cuốn của “thị trường” lan mà có khá nhiều người đã phất lên và trở thành những nhà buôn chuyên nghiệp. Mỗi buổi sáng sớm, chị Hoàng Thị Mai, phố Nguyễn Chí Thanh, TP Điện Biên Phủ luôn là khách hàng đầu tiên của những người bán lan ở chợ Mường Thanh. Chị có một cửa hàng kinh doanh lan khá lớn.
Khi tôi đến, chị Mai và con gái đang “tay năm, chân mười” , tất bật đóng lan vào những cái thùng để kịp gửi chuyến xe về xuôi, mặt mũi nhễ nhại mồ hôi. Dưới sàn nhà ngổn ngang các loài lan, quệt mồ hôi chị Mai chỉ tay bảo con gái: “Hai thùng lớn này thì Hà Nội, thùng nhỏ Nam Định. Con nhớ ghi địa chỉ chính xác”.
“Xã hội có nhu cầu thì mình đáp ứng. Không hẳn ngày nào cũng đóng hộp, nhưng một tuần cũng phải 3, 4 chuyến. Xe pháo, vật dụng thiết yếu của tôi mua sắm được đều nhờ những khóm lan cả đấy!”. Vội vã từ chối khách vì bận chở hàng ra bến xe, chị Mai cùng con gái lễ mễ khênh thùng hàng lên xe máy, rồi chị lại tất tả phóng xe đi.
Theo tìm hiểu của tôi, ở TP. Điện Biên Phủ chỉ có 5 hộ buôn chuyến như chị Mai nhưng mỗi chuyến gửi hàng cũng có cả ngàn cụm lan được đưa về xuôi. Điều đó cũng có nghĩa cả ngàn khóm lan bị bật rễ khỏi rừng. Với tốc độ này, chỉ trong một ngày không xa lan rừng Điện Biên sẽ chỉ còn lại trong ký ức.
Chị Nguyễn Thị Khuyên, Phó chủ tịch CLB Phong lan Điện Biên cho hay: “Rừng Điện Biên có khoảng 200 loài phong lan quý hiếm. Có thời điểm ở Điện Biên có phong trào đi kiếm lan để bán sang Trung Quốc. Lan rừng không phải là lim, sến nhưng nó có giá trị không thể đo đếm bằng vật chất. Nếu các nhà hữu trách ngăn chặn được việc tàn phá và buôn bán lan như ngăn chặn việc khai thác, buôn bán gỗ lim, sến thì tốt biết bao”.
Đam mê lan rừng
Người kiếm lan rừng thì chỉ biết tận diệt để bán lấy tiền nhưng ở Điện Biên vẫn còn đó những người yêu lan đến mê mải. Họ đã dày công ươm trồng, chăm sóc lan và xem như một thú chơi tao nhã. Bước chân vào nhà anh Nguyễn Văn Hiểu, thành viên CLB Phong lan Điện Biên, tôi ngỡ mình lạc vào rừng lan. Trên 300 giò phong lan của anh tỏa hương dịu nhẹ tinh khiết đến sâu lắng. Vườn lan của anh là kết quả của niềm đam mê và sự dày công chăm chút trong suốt 30 năm. “Không yêu thích thiên nhiên, không có tính kiên nhẫn khó gắn bó được với lan. Có những giò lan tôi lấy từ rừng về phải “thuần dưỡng” đến 6, 7 năm nó mới ra hoa” – anh Hiểu tâm sự.
Theo anh Hiểu, những người đam mê lan rất hiếm khi mua lan bán vạ vật ngoài chợ. Họ thường dày công đi tìm hoặc trao đổi giữa những người cùng đam mê chơi lan. Mỗi loài có đặc điểm phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng. Lan Điện Biên mang về Hà Nội trồng phải có kỹ thuật chăm sóc khác. Điều này những người thực sự đam mê, có kiến thức mới thành công. Những người chơi lan “nửa vời” sẽ rất khó có được thành quả ưng ý. Nhìn những nhành lan vật vạ ở góc chợ Mường Thanh anh không khỏi xót xa cho loài hoa đang “bạc mệnh” ở Tây Bắc. Từng ngày anh vẫn níu giữ những giò lan quý trong nỗi phấp phỏng một ngày nào đó lan rừng Điện Biên trơ trọi như nhiều cánh rừng ở Việt Nam. Khi đó sự việc sẽ là quá muộn.
Đam mê, níu giữ, bảo tồn gen những loài lan quý, anh Hiểu cùng những người đam mê thành lập Câu lạc bộ Phong lan Điện Biên với 30 thành viên. Họ chia sẻ với nhau về cách chăm sóc, cắt tỉa cho những khóm lan trở nên “kiều diễm”. Nhiều người trong giới chơi lan ở các tỉnh, thành trong cả nước cũng lên đây chia sẻ kinh nghiệm trồng lan.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, cũng như giới chơi hoa lan thì cùng với lan Đà Lạt, phong lan Điện Biên được coi là “đệ nhất nữ hoàng lan”. Những người yêu lan Điện Biên nhiều lần kiến nghị việc tàn phá, buôn bán lan lên các cơ quan hữu trách nhưng chưa thấy có một động thái nào bảo vệ lan rừng.
(Theo Bùi Quý/Báo DT&PT)