Giới thiệu về Địa Lan Kiếm
Về hình thái bên ngoài, địa lan kiếm Cymbidium là những loài thân thảo, đa niên, đẻ nhánh hàng năm tạo thành những bụi nhỏ.
Có loài rễ mọc bám trên vỏ cây, mặt đất (bì sinh hay phụ sinh); có loài rễ ăn sâu trong bọng cây, trong đất mùn (địa sinh hay thực sinh). Rễ mới thường chỉ mọc ở cây con, cây mẹ khó ra rễ mới mà chỉ thấy phân nhánh từ củ rễ.
Thân ngầm của chúng (căn hành) thường ngắn, nối những củ lan với nhau. Các củ lan thực chất là những cành ngắn của căn hành. Củ già, khi bị tách khỏi căn hành cũ, có thể mọc ra đoạn căn hành mới, từ đó mọc lên những cây con. Do đó người ta xếp Cymbidium vào nhóm lan đa thân (sympodial).
Củ lan (giả hành) thường có dạng con quay hay dạng hột xoài, đường kính từ 1 cm đến 15 cm, củ thường tươi và được bọc trong các bẹ lá.
Lá thường có hai dạng: dạng vảy đính theo một đoạn căn hành và dạng thực đính trên giả hành. Lá thực thường có cuống lá, giữa bẹ lá và cuống lá có một tầng phân cách. Khi phiến lá rụng, vẫn còn đoạn bẹ ôm lấy giả hành. Vài loài không có cuống lá.
Tùy theo từng loài mà phiến lá rất khác nhau, có gân dọc nổi rõ hay chìm trong thịt lá. Một số loài ít chịu rợp có phiến lá màu xanh vàng, còn lại thường là xanh đậm. Bản lá và độ dày của lá thay đổi tùy theo từng loài: các loài sống ở trảng trống có lá hẹp và dày hơn các loài ưa bóng rợp. Lá có dạng dải, dạng mũi mác, dạng phiến. Đầu lá nhọn hay chia thành 2 thùy. Kích thước của bản lá biến động từ 0,5 cm đến 6 cm. Chiều dài lá thay đổi từ 10 cm đến 150 cm.
Chồi hoa thường xuất hiện bên dưới giả hành, trong các nách lá, tách các bẹ già, đâm ra bên ngoài. Thông thường, mỗi giả hành chỉ cho hoa một lần. Chồi hoa thường xuất hiện đồng thời với chồi thân, những chồi hoa no tròn hơn, còn chồi thân hơi dẹp. Các lá đầu tiên ở chồi thân mọc đâm ra 2 phía hình đuôi cá, còn ở chồi hoa các lá bao hoa luôn ôm chặt quanh phát hoa.
Chồi hoa và chồi thân phát triển đồng thời
a/ Chồi hoa
b/ Chồi thân
Cọng phát hoa không phân nhánh, dựng đứng hay buông thõng. Chiều dài của phát hoa từ 10 đến hơn 100 cm. Cành hoa mang từ vài đến vài chục búp hoa xếp luôn phiên theo đường xoắn ốc. Búp hoa khi đã đủ lớn, bắt đầu dang xa khỏi cọng hoa, xoay nửa vòng tròn để đưa cánh môi xuống dưới rồi bắt đầu nở. Thoạt nhìn, hoa Cymbidium có 5 cánhgần giống nhau, thực ra chỉ có 2 cánh hoa ở bên trong, còn lại là 3 lá đài ở bên ngoài, có cấu trúc và màu sắc giống cánh hoa. Cánh hoa thứ 3 chuyên hóa thành cánh môi, màu sắc rực rỡ hơn, xẻ thành 3 thùy tạo ra dạng nửa hình ống. 2 thùy bên ôm lấy trụ, thùy thứ 3 có dạng bầu hay nhọn tạo thành hình đáy thuyền, làm chỗ đậu cho côn trùng khi đến hút mật và thụ phấn cho hoa. Giữa cánh môi có 2 gờ dọc song song màu vàng. Tận cùng bên trong có dĩa mật và đôi khi có những tuyến tiết mùi hương.
Hình thái ngoài và cấu trúc hoa Cymbidium
Hoa Cymbidium lưỡng tính, nhị đực và nhụy cái cùng gắn chung trên một trụ nhị – nhụy (hay trục hợpnhụy) hình bán trụ hơi cong về phía trước. Nhị ở trên cùng, mang 2 khối phấn màu vàng, có gót dính như keo. Khối phấn được đậy bởi một nắp màu trắng ngà dễ mở rời. Hộc chứa phấn khối của trục hợp nhụy cách với nuốm nhụy bởi một cái gờ (mỏ) nổi lên. Cấu trúc này bắt buộc trong tự nhiên hoa Cymbidium chỉ thụ phấn được nhờ côn trùng.
Sau khi thụ phấn, hoa xoay dần về vị trí cũ, bầu noãn phình lên tạo thành quả. Quả lan là một nang có 3 góc, bên trong có chứa hàng trăm ngàn hạt. Khi chín, quả mở theo 3 đường góc và gieo vào không khí những hạt như bụi phấn màu vàng lụa. Khi rơi vào nơi có điều kiện ẩm độ, ánh sáng thích hợp và có nấm cộng sinh tham gia, hạt sẽ nẩy mầm phát triển thành cây mới…
LỊCH SỬ TẠO GIỐNG
Số lượng giống lai tự nhiên – đã được thu thập – rất phong phú. Con lai tự nhiên có thể là kết quả của 2 loài giao phấn với nhau hoặc của các dòng trong cùng một loài giao phấn nhờ côn trùng. Điều kiện để một phép lai có thể xảy ra trong tự nhiên là 2 cá thể phải giống nhau về mùa hoa, cùng khu phân bố và cùng kích thước hoa. Điển hình nhất là cây lai Hồng Hoàng, con lai tự nhiên giữa cây Hồng lan (Cym. insigne) và cây Hoàng lan (Cym. giganteum). Bản thân nhóm Hồng Hoàng có rất nhiều dạng khác nhau về màu sắc cánh hoa và sắc tố đỏ trên cánh môi. Tuy nhiên, phải nhờ đến bàn tay con người, những phép lai giữa các loài rất cách biệt nhau mới có thể thực hiện. Việc tạo giống Cymbidium phát triển theo tiến trình thu thập giống hoang dại, nhờ có sự hỗ trợ của những tiến bộ sinh học, đã đạt được những kết quả không ngờ.
Khoảng đầu thế kỷ này, một số lan rừng đã được thu thập từ các vùng rừng nhiệt đới đưa về trồng ở châu Âu. Từ những giống hoang dại đó, những phép lai đã được thực hiện. Mục tiêu của những phép lai này là tạo được những giống có đặc tính kinh tế và giá trị thẩm mỹ cao như hoa nhiều, lớn, bền, màu sắc sặc sỡ. Đó cũng chính là lý do tại sao Cymbidium không phải là cây nguyên sản ở châu Âu nhưng các giống lai được nuôi trồng để cắt cành ở đây lại có số lượng rất lớn so với các châu lục khác.
Cây Cymbidium lai đầu tiên xuất hiện năm 1889 là cây Cym. eburneolowianum (Cym. eburneum x Cym.lowianum). Trong 20 năm tiếp theo, chỉ xuất hiện thêm 14 con lai nữa nhưng chúng không có giá trị cao lắm. Trong những năm đầu của thế kỷ 20, người ta tìm thấy ở Miến Điện và Đông Dương nhiều loài giá trị, nhất làCym. Parishii, Cym. insigne, Cym. erythrostylum (Bạch hồng) có màu sắc từ trắng đến hồng, chúng đã đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các con lai đẹp sau này.
Cym. hookerianum và Cym. lowianum đã được dùng để tạo ra những giống hoa màu xanh. Cym. eburneum (Bạch lan) và Cym. insigne (Hồng lan) đã cho ra các giống màu trắng và màu hồng. Cym. traceyanum cho ra các giống màu vàng. Cym. ansonii cho ra những giống màu đỏ và màu hồng. Cym. Parishiiđược dùng để tạo ra những giống có cánh môi đỏ thắm như Cymbidium Miretta.
Những công trình lai tạo, chọn giống Cymbidium vào đầu thế kỷ này đáng kể nhất là của H. G. Alexander, đã cho ra đời cây lai Cym. Alexanderi Westonbirt (Cym. eburneolowianum x Cym. insigne). Cây này cho đến nay vẫn giữ một vị trí quan trọng trong việc tạo ra các giống mới màu trắng, hồng, vàng, xanh, nhất là những giống ra hoa vào mùa thu và mùa đông. Cùng thời gian này, còn có cây lai Cym. pauwelsii (Cym. insigne x Cym. lowianum), là cây đầu dòng để tạo ra những giống có phát hoa lớn và sức phát triển mạnh như Cym. Babylon (Cym. Olympus x Cym. Pauwelsii). Đến lượt mình, Cym. Babylon lại là cây đầu dòng thông dụng để tạo ra những giống mới có màu sắc rực rỡ.
Những năm gần đây có khuynh hướng tạo ra những giống Cymbidium có màu sắc tinh khiết, không có sắc tố đỏ cả trên cánh môi. Do đó, sẽ có những giống chỉ có màu vàng, xanh hay trắng. Phương pháp để đạt kết quả này là hồi giao nhiều lần với Cym. lowianum var. Concolor (Thanh ngọc). Một hướng lai tạo khác không kém lý thú là tạo ra những giống với nhiều màu sắc rực rỡ phối hợp với nhau: màu 2 cánh hoa và cánh môi khác với màu của 3 lá đài, hoặc cánh hoa có nhiều màu tạo thành các đốm khảm. Về hình dạng hoa thì ngày càng có những giống lai mới có cánh hoa và lá đài tròn , hoa kín và tròn. Hoa nhiều trên một cành và độ bền của hoa cắt cành cũng là những đặc điểm được quan tâm khi chọn tạo giống.
Một nhóm Cymbidium khác có kích thước thân, lá, hoa nhỏ hơn, gọi chung là Cymbidium miniature, cũng được lai tạo ra và chiếm một vị trí đáng kể cạnh nhóm hoa lớn, do chúng thích hợp với điều kiện nhà ở ngày càng chật hẹp hiện nay. Những cây đầu dòng để tạo giống trong nhóm này có thể kể Cym. Devonianum (Gấm ngũ hồ); Cym. ensifolium (Mặc lan); Cym. Pumilum và Cym. tigrinum. Cym. Devonianum cho ra những giống có cành hoa buông thõng, màu xanh, vàng và nâu, cánh môi có bệt đỏ đậm; Cym. ensifolium được khai thác ở 2 đặc tính di truyền là mùa hoa (cuối hè và thu) và hương thơm. Cym. tigrinum cho ra những con lai nở hoa mùa xuân, cây thấp lùn, lá ngắn, giả hành nhỏ, hoa màu xanh đến vàng. Nhưng đáng kể nhất vẫn là Cym. Pumilumđã cho ra nhiều giống miniature màu sắc phong phú. Ưư điểm của nhóm hoa nhỏ này là yêu cầu không khắt khe lắm về nhiệt độ thấp để phân hóa hoa nên có thể nuôi trồng rộng rãi hơn ở nước ta.
Giữa những nhóm hoa lớn và hoa nhỏ cũng đã có những phép lai, tạo ra những giống Cymbidium kết hợp được đặc điểm của cả 2 nhóm: hoa lớn trung bình, số lượng hoa trên một cánh nhiều, dễ trồng trọt và năng suất hoa cao.
Việc lai tạo giống không ngừng lại ở việc thụ phấn, gieo hạt đơn giản mà còn dùng đến những kỹ thuật sinh học hiện đại để tạo ra nhiều giống đa bội… Cymbidium cũng là chi đầu tiên của hoa lan được áp dụng thành công phương pháp cấy đỉnh sinh trưởng và nhân giống vô tính hàng loạt trong ống nghiệm để có số lượng cây giống lớn, đồng nhất và sạch bệnh trong một thời gian tương đối ngắn.
Do đó, muốn phát triển việc nuôi trồng Cymbidium ở quy mô lớn hoặc để tạo ra những giống mới, cần thiết phải có một phòng thí nghiệm với đầy đủ hóa chất, thiết bị nhân cấy cây trong ống nghiệm. Đây là một bộ phận không thể thiếu được của bất kỳ cơ sở trồng lan nào trên thế giới.
CYMBIDIUM TỰ NHIÊN
Theo những kết quả điều tra định loại trước đây chi Cymbidium trong cả nước ta có khoảng 12 loài. Về mặt hình thái, có thể nói tất cả những loài này đã và đang được nuôi trồng tại Đà Lạt. Qua việc khảo sát trong tự nhiên, các loài này đều có khu phân bố với những qui luật chi phối đặc trưng, có số lượng cá thể khá lớn. Từng loài có các yếu tố cách ly rõ rệt với loài khác. Từ những khác biệt về cách sống, mùa hoa, màu sắc… cho đến những khác biệt về cơ quan sinh sản… đã giúp cho việc hình thành và ổn định các loài Cymbidium tự nhiên trên các vùng rừng núi Lâm Đồng – Đà Lạt.
Có những cá thể hay dòng vô tính của một hay một số biến chủng nào đó trong tự nhiên đã được sưu tập nuôi giữ, nhưng chưa có thể xem xét chúng nằm ở bậc phân loại nào trong hệ thống phân loại học thực vật. Cũng còn có những biến chủng giống nhau hay khác nhau về nhiều mặt, chịu tác động của những cơ chế cách ly độc đáo, nhưng hiện nay chưa thể tìm gặp được khu phân bố vì thảm rừng đã bị tàn phá nặng nề. Đó cũng là một trong những khó khăn, cần có điều kiện, thời gian và sự kiên trì của những người quan tâm, yêu thích mới có thể giải quyết được.
Giới thiệu về những loài Cymbidium tự nhiên, chúng tôi có hoài bão giúp ích phần nào cho những ai ham thích sưu tập lan rừng. Chúng tôi cố gắng mô tả các đặc điểm phân loại và môi sinh của chúng một cách chính xác nhất trong chừng mực những tài liệu thu thập được cũng như những quan sát thực tế cho phép. Qua đó, chúng tôi hy vọng người trồng lan có thể có thêm tài liệu về phả hệ của các giống lan mình đang trồng, từ đó có những biện pháp kỹ thuật đáp ứng chính xác hơn yêu cầu sinh lý, sinh thái của từng giống nhằm đạt được năng suất hoa cao nhất.
- Địa lan Thanh Ngọc
- Địa lan Đại Thanh
- Địa Lan Cẩm Tố
- Địa lan Triều châu tố hà
- Địa lan Hoàng Vũ trồng và chăm sóc
- Địa lan Đại Hoàng
- Địa lan kiếm Tuyết Ngọc
- Lan Kiếm Vàng Cánh Bầu Hải Phòng
- Giới thiệu nguồn gốc Lan Kiếm Tiểu Giang
- Cách trồng và chăm sóc lan Luân cỏ Eulophia
- Tại sao kiếm bị sần?
- Lan kiếm Vị Hoàng
- Phong lan Kiếm lá cứng Việt Nam và những điều cần biết
- Phân biệt hoa lan kiếm Hồng Hoàng với hoa Địa lan kiếm Trần Mộng
- Kinh nghiệm trồng địa lan bằng phân trấu ủ
- Phòng trừ sâu hại địa lan
- Bệnh hại trên cây địa lan
- Bệnh thối củ do vi khuẩn hại địa lan
- Trồng và chăm sóc Địa lan kiếm
- Địa lan châu á: Các điều kiện phát triển được kiểm soát
- Địa lan châu Á
- Tưới nước và bón phân cho Địa lan châu á
- Những mẹo nhỏ trồng Địa Lan
- Địa lan rừng hình dạng như thế nào?
- Văn hoá thưởng thức địa lan Kiếm của người TQ và người Đông Á
- Địa lan rừng Việt Nam
- Các tiêu chí đánh giá một hoa địa lan kiếm đẹp
- Thanh lan - Cymbidium Cyperifolium
- Cách trồng Địa lan đơn giản nhất
- Lan kiến cò râu - Habenaria medioflexa
- Cách trồng một số loại địa lan thân củ
- Lan chu đỉnh lông - Spathoglottis pubsences
- Cách trồng địa lan của các cụ ngày xưa
- Kỹ thuật trồng Địa lan - Cymbidium
- Kỹ thuật trồng và chăm sóc địa lan
- Kinh nghiệm trồng và chăm sóc địa lan
- Kỹ thuật nhân giống địa lan - Cymbidium
- Kỹ thuật Nhân giống và nuôi trồng địa lan Việt
- Chăm sóc địa lan ra hoa theo ý muốn