Chi Arachnis - Lan nhện, Vũ nữ, Bò cạp tía

ARACHNIS Blume, họ Lan - Orchidaceae Từ chữ Hy Lạp arachne: con nhện; liên hệ đến hình dáng ngoài của hoa của loài chuẩn Arachne moschifera giống như con nhện

Lan biểu sinh, không có hành giả; thân mọc thẳng. Lá xếp hai dãy, dai, thường có hai thùy ở đỉnh.Cụm hoa phân nhánh. Lá đài hẹp hay rộng, rời và trải ra. Cánh hoa giống nhau. Cánh môi có khớp ở gốc của cột, có 3 thùy mà 2 thùy bên mọc đứng, cái ở giữa nạc và đa dạng, có cựa ngắn ở gốc. Cột ngắn. Bao phấn 2 ô. Khối phấn 2.

Cách trồng lan Bò Cạp - Arachnis

Gồm khoảng 12 loài phân bố từ Tây Bắc Thái Lan đến Philippin, Inđônêxia, Niu Ghinê và các đảo Thái Bình Dương. Ở Việt Nam có 4 loài:

Arachnis annamensis (Rolfe) J.J.Sm - Vũ nữ, Bò cạp tía, Lan nhện trung

Arachnis annamensis (Rolfe) J.J.Sm - Vũ nữ, Bò cạp tía, Lan nhện trungCây có thân dài đến 1,50m, có rễ khí sinh dọc theo thân. Lá có phiến hẹp, dài 28cm, rộng 2,5cm, dai, màu lục đậm.Cụm hoa chùm kép dài đến 1m, dày hoa ở nửa trên; lá bắc hình trái xoan, thuôn, tù, dài 1cm; hoa cỡ 10 đóa, rộng 10cm, không thơm. Lá đài và cánh hoa hình thìa, màu vàng có vạch đỏ nâu; các lá đài bên hình liềm và tù hơn, các cánh hoa cũng tù nhưng ngắn hơn. Cánh môi có khớp, có 3 thùy, các thùy bên hình tam giác nhọn, màu vàng tươi với vạch đỏ nâu và gốc màu hoa cà, thùy giữa màu tím tía với gốc màu hồng, ở gốc có một mụn. Cột rất ngắn. Bầu và cuống dài 3cm.

Loài đặc hữu của Việt Nam, chỉ mới biết có ở Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Cây mọc leo lên cây gỗ trong rừng. Ra hoa từ tháng 12 đến tháng 2. Cũng được trồng làm cảnh

Arachnis hookeriana (Rchb. f) Rchb. f - Tri thù Hooker, Lan nhện trắng.

Arachnis hookeriana (Rchb. f) Rchb. f - Tri thù Hooker, Lan nhện trắng.Phong lan có thân dài 3 - 4m, to 7mm, mang nhiều rễ khí sinh dài. Lá xếp hai dãy, thuôn hẹp, dài 6-9cm, rộng 2cm, thon lại từ gốc đến ngọn, có 2 thùy ở đỉnh không bằng nhau; bẹ lá có rãnh.

Cụm hoa chùm; mọc đối, xuyên thủng các bẹ, 5 - 6 lần dài hơn lá; các hoa khá to; bẹ 3; lá bắc hình bầu dục rộng, rộng 5 - 6mm; hoa không nhiều, màu trắng vàng với một ít hồng ở đỉnh các lá đài và cánh hoa. Lá đài và cánh hoa trải ra dạng thìa, có móng dài, các lá đài bên và các cánh hoa hơi ngắn hơn và xiên. Cánh môi ngắn hơn các lá đài bên, chia 3 thùy, hai thùy bên đứng, thùy giữa tạo thành góc vuông với các cái bên, có mào cao có một chai nhỏ ở gốc. Cột ngắn, đứng. Bao phấn hình trái xoan, cụt về phía trước. Khối phấn 2; tuyến hình đĩa rộng. Bầu xoan và cuống dài 2cm.

Loài của Việt Nam, Campuchia, Xingapo, Malaixia và Inđônêxia. Ở Việt Nam có gặp ở Bến Tre thuộc Nam Bộ. Cây mọc ở rừng.

Arachnis labrosa (Lindl. ex Paxt.) Rchb. f. - Lan nhện môi hẹp, Lan nhện Thái, Tri thù hoa vàng

Arachnis labrosa (Lindl. ex Paxt.) Rchb. f. - Lan nhện môi hẹp, Lan nhện Thái, Tri thù hoa vàngPhong lan có thân dài 8 - 40cm, to đến 1cm; rễ khí sinh rất to. Lá có phiến dày, hình dải hoặc thuôn hẹp, dài tới 29cm, rộng 1,5 - 3,5cm, đầu có 2 thùy không bằng nhau, gốc có bẹ ôm thân.

Chùm hoa thẳng, cao hơn lá, phần trên thường phân nhánh. Lá bắc hình trứng rộng, dài 5 - 8mm; đầu tù. Hoa màu vàng nhạt có bớt nâu đậm, cao 2cm. Cánh môi trắng có sọc đỏ; cột trắng có nắp vàng; bầu tía.

Loài của Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc và Việt Nam. Ở Việt Nam có gặp từ các tỉnh phía Bắc đến Đắc Lắc, Lâm Đồng. Cây mọc leo lên cây gỗ ở rừng. Cũng được trồng làm cảnh

Arachnis maingayi (Hook.f.) Schltr - Lan nhện đỏ, Lan nhện trồng, Tri thù đỏ

Arachnis maingayi (Hook.f.) Schltr - Lan nhện đỏ, Lan nhện trồng, Tri thù đỏPhong lan to; thân rất dài, mập, mang nhiều rễ khí sinh. Lá có phiến dài, rộng, xếp hai dãy đều đặn, màu xanh nhạt, đầu có 2 thùy. Chùy hoa dài, cứng, mọc thẳng hay ngang từ các nách lá, dài 0,6 - 0,9m. Hoa lớn, xếp thưa, màu vàng tái có bớt đỏ; lá đài giữa đứng cao; lá đài bên và cánh hoa cong xuống. Cánh môi chia 3 thùy, 2 thùy bên lớn, thùy giữa nhọn, đứng, màu vàng pha hồng.

Loài này vốn là loài lai tự nhiên của Arachnis hookeriana (Rchb.f.) Rchb.f. và Arachnis flosaeris (L.) Rchb.f. Hiện nay được nhập trồng. Cây có hoa đẹp, nở vào dịp Tết Âm lịch nên được trồng khá phổ biến ở thành phố Hồ Chí Minh và một số nơi khác.

Bài Viết Mới

Bài Đọc Nhiều

Liên hệ quảng cáo

Tắt Quảng Cáo [X]
Kyoryo Nhật Bản