Chiêm ngưỡng hoa phong lan vani rừng - Miguelia somae

Đây là loài phong lan có thân bò trườn dài từ 5 đến 10 m. Lá hình trứng, dài 10-30 cm, rộng 4-9 cm, nạc và bóng.

Trong hơn 10 năm công tác trong lĩnh vực đa dạng thực vật, tôi đã có dịp gặp loài này nhiều lần ngoài tự nhiên. Nhưng những lần đó chỉ thấy lá, chẳng bao giờ gặp hoa. Có người nói hoa của chúng rất mau tàn, cũng có người nói chúng rất ít khi ra hoa nên hiếm khi gặp được. Thật may mắn, tình cờ tôi lại gặp được chúng nở hoa ngay ven đường của huyện Quản Bạ tỉnh Hà Giang trong đợt khảo sát thực vật hồi năm 2011. Có lẽ đó là lần may mắn duy nhất tôi gặp chúng, cho đến bây giờ tôi vẫn chưa gặp lại.

Loài lan vani này trước đây được gọi tên khoa học là Vanilla somae Hayata, chúng được công bố từ năm 1916. Nhưng đến năm 2011, sau khi có cơ hội thu được mẫu hoa trong cùng đợt khảo sát thực địa với tôi, Leonid Averyanov đã tách ra thành một chi mới Miguelia dựa trên loài chuẩn Miguelia somae (Hayata) Aver. (The Orchids of Vietnam Illustrated survey: Part 3). Chi mới này được đặt tên kỉ niệm nhà Lan học người Mexico Miguel Angel Soto Arenas 1963-2009.

Đây là loài phong lan có thân bò trườn dài từ 5 đến 10 m. Lá hình trứng, dài 10-30 cm, rộng 4-9 cm, nạc và bóng.

Cụm hoa xim hai ngả (hiếm khi xim một ngả), mang 1-2 hoa (hiếm khi 3-4 hoa) trên một xim thứ cấp. Đường kính hoa 4-5 cm, có màu trắng hoặc màu trắng với các đốm vàng nhạt, xanh nhạt. Môi có dạng hình kèn Trumpet, phía trong màu hồng hoặc hơi đỏ, và mang các nhú dài.

Chúng mọc trong rừng cây lá rộng nguyên sinh hoặc thứ sinh gồm các loài cây lá rộng hỗn giao với các loài cây lá kim hoặc nơi trảng cây bụi. Ta có thể bắt gặp chúng trên nhiều loại đất khác nhau nhưng phổ biến hơn trên núi đá vôi, nơi các sườn dốc có độ cao từ 300 đến 1400 m so với mực nước biển. Hoa ra vào tháng 3 đến tháng 6 nhưng ít khi thấy.

Nơi phân bố loài này ở các tỉnh Bắc Cạn, Cao Bằng, Hà Giang, Hoà Bình, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Bình, Sơn La, Thái Nguyên và Thanh Hoá. Ngoài Việt Nam chúng còn có ở Nam Trung Quốc và Đài Loan. Chúng được đánh giá tình trạng bảo tồn ở mức Sẽ Nguy cấp (VU).
Ở Việt Nam hiện chi Miguelia có hai loài, loài kể trên và loài M.annamica phân bố ở miền Nam ở các tỉnh Bình Định, Bình Thuận, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Thừa Thiên Huế. Chúng được đánh giá tình trạng bảo tồn ở mức Nguy cấp (EN).

hoa phong lan vani rừng - Miguelia somae
hoa phong lan vani rừng - Miguelia somae

Bài Viết Mới

Bài Đọc Nhiều

Liên hệ quảng cáo

Tắt Quảng Cáo [X]
Kyoryo Nhật Bản